Theo thống kê của các nhà khoa học, việc không tuân thủ điều trị là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng hồi phục của bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số giải pháp giúp cải thiện vấn đề tuân thủ điều trị.
Tuân thủ điều trị là gì?
Tuân thủ điều trị là hành vi người bệnh thực hiện theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ về sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn và lối sống. Ngoài ra, tuân thủ điều trị còn được hiểu là mức độ trùng khớp giữa thực tế sử dụng thuốc ở người bệnh và quá trình điều trị đã được bác sĩ đưa ra.
Hậu quả của thiếu tuân thủ điều trị
Khi người bệnh thiếu tuân thủ điều trị sẽ để lại những hậu quả sau đây:
- Tăng nguy cơ gặp biến cố bất lợi của thuốc và gây ra các biến chứng.
- Làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Tần suất đi khám bệnh tăng lên.
- Tăng tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, tăng chi phí y tế.
- Gây tốn kém chi phí quản lý.
- Khiến hệ thống y tế không hoàn thành được được mục tiêu đã đề ra.
Yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị
Xã hội/Kinh tế
Xã hội và kinh tế gây ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị:
- Trình độ giáo dục, văn hóa thấp.
- Thất nghiệp, nghèo đói.
- Chi phí thuốc cao.
Hệ thống y tế
- Dịch vụ y tế kém, hệ thống phân phối thuốc yếu.
- Cán bộ y tế chưa được đào tạo đầy đủ, tư vấn ngắn.
- Năng lực giáo dục người bệnh của hệ thống y tế còn đang yếu.
Tình trạng sức khỏe
Mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị. Bệnh nhân sẽ tuân thủ điều trị tốt khi bệnh nặng, gây đau nhiều và thường tuân thủ kém khi bệnh nhẹ, không xuất hiện triệu chứng rõ ràng.
Liệu pháp điều trị
Liệu pháp điều trị không hợp lý gây ảnh hưởng tới việc tuân thủ điều trị như:
- Chế độ sử dụng thuốc phức tạp, số lần uống thuốc quá nhiều.
- Khoảng thời gian điều trị dài làm cho bệnh nhân chán nản trong quá trình điều trị.
- Thất bại của quá trình điều trị trước gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị sau đó.
- Thuốc có hiệu quả ngay lập tức sẽ khiến bệnh nhân chủ quan ngưng sử dụng thuốc khi chưa kết thúc quá trình điều trị.
- Tác dụng phụ của thuốc nặng nề.
Người bệnh
- Người bệnh lớn tuổi thường hay quên uống thuốc.
- Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị áp lực về tâm lý, thiếu động lực, chán nản dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém.
- Bệnh nhân không tin tưởng vào thuốc.
- Bệnh nhân hiểu sai hoặc không thừa nhận bệnh dẫn tới không tuân thủ điều trị.
- Bệnh nhân thiểu năng, tật nguyền gặp khó khăn trong việc tuân thủ điều trị.
Mối quan hệ thầy thuốc với bệnh nhân
Tuân thủ điều trị tốt khi:
- Thầy thuốc chỉ rõ lợi ích của biện pháp điều trị, báo trước tác dụng phụ có thể có của thuốc cho bệnh nhân.
- Thầy thuốc khích lệ tinh thần bệnh nhân.
- Bệnh nhân tin tưởng vào thầy thuốc.
Làm sao biết bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hay không?
Để biết bệnh nhân có tuân thủ điều trị tốt hay không, bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây:
- Hỏi bệnh nhân và những người xung quanh. Tuy nhiên, bệnh nhân thường trả lời là mình tuân thủ điều trị tốt nên biện pháp này có độ chính xác kém.
- Đếm số thuốc còn lại sẽ có độ chính xác kém vì bệnh nhân có thể sẽ không mang đủ số thuốc còn lại theo.
- Sử dụng hộp thuốc điện tử, mỗi lần chỉ lấy ra được một lượng thuốc nhất định. Nếu bệnh nhân không cố ý lấy nhiều lần hơn yêu cầu vì sợ khi bác sĩ kiểm tra sẽ biết được mình không tuân thủ điều trị thì đây cũng được coi là biện pháp có độ chính xác cao.
- Định lượng nồng độ thuốc trong máu mang lại kết quả chính xác nhưng tốn kém và chỉ thực hiện được trong một thời gian nhất định sau khi bệnh nhân dùng thuốc.
- Tìm gen kháng thuốc là biện pháp được sử dụng ở nước ngoài, có độ chính xác cao nhưng rất tốn kém.
Làm gì để cải thiện vấn đề tuân thủ điều trị?
Để cải thiện vấn đề tuân thủ điều trị, bạn có thể tham khảo một số giải pháp sau.
Đơn giản chế độ sử dụng thuốc
- Giảm tần suất uống thuốc.
- Chia nhỏ thành các bước đơn giản và đảm bảo rằng người bệnh hiểu từng bước sử dụng thuốc.
- Thời gian sử dụng thuốc phù hợp với các hoạt động hàng ngày của người bệnh.
- Sử dụng các công cụ như sử dụng hộp đựng thuốc điện tử, phần mềm nhắc lịch, điện thoại thông minh để nhắc nhở người bệnh uống thuốc.
- Dược sĩ trao đổi trực tiếp với bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân để quá trình điều trị diễn ra hiệu quả.
Cung cấp kiến thức phù hợp cho người bệnh
- Cung cấp hướng dẫn sử dụng thuốc rõ ràng, đơn giản.
- Sẵn sàng trả lời câu hỏi của bệnh nhân.
- Tăng cường thảo luận, đặc biệt với người có học vấn thấp.
Thay đổi niềm tin và hành vi của người bệnh
- Đảm bảo người bệnh hiểu được hậu quả của việc không tuân thủ điều trị.
- Giải quyết những lo ngại nếu có với thuốc.
- Cho người bệnh tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của bản thân.
- Tin vào hiệu quả tốt của phương pháp điều trị được đưa ra.
Giao tiếp với người bệnh và tin tưởng
- Hỗ trợ về mặt tinh thần và đồng cảm với bệnh nhân.
- Gợi ý người bệnh tham gia vào quá trình điều trị.
- Dành thời gian cho người bệnh đặt câu hỏi.
- Xây dựng lòng tin với người bệnh.
Xem xét các yếu tố nhân khẩu học
- Hiểu năng lực y tế và mức độ ảnh hưởng đến kết quả điều trị của người bệnh.
- Xem xét lại phong cách giao tiếp với bệnh nhân.
- Xem xét những khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị.
- Thừa nhận những sai sót trong việc đưa ra các quyết định y tế.
Đánh giá tuân thủ điều trị
- Tự báo cáo (hỏi trực tiếp người bệnh nếu họ không tuân thủ điều trị).
- Đếm thuốc còn lại.
- Lưu ý ngày cung cấp thuốc.
- Áp dụng thang đo tuân thủ điều trị.
Hy vọng bài viết trên có thể giúp các cán bộ y tế phát hiện và giải quyết được các vấn đề về tuân thủ điều trị của bệnh nhân.